Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Cẩn trọng khi mua nhà qua đơn vị phát triển dự án

Trường hợp chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện dự án mà thông qua các công ty phát triển dự án là việc không mới trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, người mua nhà cũng cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến hợp đồng mua bán, kiểm tra về tư cách pháp nhân và nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong hợp đồng.

Cẩn trọng khi mua nhà qua đơn vị phát triển dự án
Khi mua nhà, người dân nên xem xét kỹ hợp đồng mua bán, tránh nhầm lẫn giữa đơn vị phát triển dự án và chủ đầu tư. Ảnh:Thịnh Châu.
Đơn vị phát triển dự án không phải là chủ đầu tư
Tại nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp giới thiệu là chủ đầu tư nhưng lại không trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển công trình. Mọi hoạt động chính như quản lý tài chính, giám sát quá trình xây dựng, phân phối bán hàng đều giao cho một đơn vị khác thực hiện là nhà phát triển dự án. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng đó là chủ đầu tư.
Có vị trí đẹp, nằm trên khu đất vàng quận 4, Tp.HCM, dự án The GoldView đang là tâm điểm chú ý trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu để ý thì xung quanh dự án này vẫn còn một vài chi tiết về chủ đầu tư mà nhiều người còn chưa rõ.
Theo thông tin công bố, The GoldView do Công ty Cổ phần May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. Công ty TNR Holdings Việt Nam là đơn vị hợp tác phát triển dự án. 2 công ty này đã ký kết một Thoả thuận hợp tác chiến lược về dự án The GoldView. Theo nội dung thoả thuận thì TNR Holdings Việt Nam sẽ là nhà quản lý, điều hành và phát triển dự án.
Trên truyền thông, hầu như người ta chỉ biết đến TNR Holdings, còn cái tên May- Diêm Sài Gòn gần như xa lạ trên thị trường bất động sản. Trên trang web giới thiệu dự án, công ty này cũng chỉ xuất hiện với vài dòng giới thiệu khá ít ỏi. Vì thế, có người còn nhầm tưởng TNR Holdings là chủ đầu tư dự án.
Tìm hiểu, được biết May - Diêm Sài Gòn, tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy ở Vinh, Nghệ An. Năm 1948 doanh nghiệp này dời vào Sài Gòn, sau đó đổi tên thành hãng Diêm SIFA, hoạt động kinh doanh chính là sản xuất diêm, hàng may mặc và đồ gỗ. Tài sản có giá trị nhất của Công ty là khu đất vàng 2,3 ha tại Bến Vân Đồn, quận 4. Trên cơ sở lợi thế này, năm 2011 May - Diêm Sài Gòn rẽ sang kinh doanh bất động sản. Khu đất 2,3 ha nói trên sau đó đã chuyển mục đích sử dụng thành đất thương mại, là nơi xây dựng dự án The GoldView hiện nay.
Từ khâu chiến lược tổng thể, giám sát nhà thầu, quản lý điều hành, kinh doanh, marketing, quản lý dòng tiền, TNR Holdings đều thực hiện thay chủ đầu tư. Điều này cho thấy, gần như TNR Holdings làm thay vai trò của chủ đầu tư dự án nhưng thực chất lại không phải là chủ đầu tư.
Cách làm này của The GoldView không phải là hiếm trên thị trường. Dự án Villa Park tại phường Phú Hữu, quận 9 cũng là một trường hợp tương tự.
Villa Park do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền hợp tác cùng Tập đoàn M.I.K phát triển. Trong đó, Khang Điền là chủ đầu tư, M.I.K đóng vai trò là nhà quản lý phát triển dự án.
Villa Park là một trong những dự án đầu tiên của Khang Điền. Dự án gồm 234 căn biệt thự khép kín theo kiểu Mỹ, được phát triển theo hướng xây nhà hoàn thiện mới bán cho khách hàng. Dù hoạt động lâu năm trong ngành bất động sản nhưng với dự án này nó không phải là thế mạnh của Khang Điền, nên Công ty đã hợp tác cùng đơn vị khác phát triển dự án.
Nói về việc tiếp nhận dự án và trở thành đối tác của Khang Điền, đại diện Tập đoàn M.I.K cho biết đó là cả một câu chuyện dài. Bởi trước khi M.I.K xâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam thì dự án Villa Park đã khởi động khá lâu trước đó.
Khi bắt đầu tới Việt Nam, nhận thấy tiềm năng của dự án, M.I.K đã để ý và tính chuyện hợp tác với Khang Điền. Dù rằng trước đó, Khang Điền đã giới thiệu dự án nhiều lần cho một quỹ đầu tư khác nhưng không thành công, ông Phạm Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn M.I.K, cho hay.
Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam đã công bố ký kết với Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Nam Đô (Thành viên của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn) để hợp tác phát triển dự án Saigonres Plaza tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Trong đó Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Nam Đô với vai trò là chủ đầu tư dự án, Đất Xanh Miền Nam là đơn vị phát triển, phân phối và tiếp thị độc quyền dự án này.
 Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều dự án, đơn vị phát triển dự án tham gia vào hầu hết các khâu trọng yếu của công trình nhưng họ không phải là chủ đầu tư.
Cẩn trọng khi mua nhà qua đơn vị phát triển dự án
Danh nghĩa chủ đầu tư nhưng không trực tiếp thực hiện dự án là điều đang diễn ra tại nhiều công trình nhà ở hiện nay. Ảnh:Trần Phong.
Người mua nhà nên xem xét kỹ
Trao đổi với CafeLand, ông Phạm Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn M.I.K cho rằng, hiện nay tại Việt Nam có khá nhiều tập đoàn đến từ nước ngoài đi theo hướng là nhà phát triển doanh nghiệp. Có nghĩa là chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án có thể chia ra được.
Chẳng hạn, chủ đầu tư đưa cho đơn vị phát triển dự án một miếng đất, tôi muốn phát triển, bán hàng nhưng tôi chỉ có đất thôi và chúng tôi không có kinh nghiệm. Trong trường hợp này đơn vị phát triển dự án sẽ vào để giúp chủ đầu tư. Họ có nhiều lợi thế về kinh nghiệm phát triển dự án, có đơn vị quản lí, thi công và có luôn cả đơn vị bán hàng. Như vậy đây là một gói cụ thể. Ở nước ngoài, họ làm chuyện đó rất bình thường để giúp chủ đầu tư.
Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, thiếu kinh nghiệm hoặc không có thế mạnh trong xây dựng, quản lý và phát triển dự án là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều chủ đầu tư chọn cách nhờ người khác làm thay.
Đó là một cách làm thông minh, có tầm nhìn xa để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn.Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư hoàn toàn xa lạ trên thị trường và uy tín, năng lực chưa được kiểm chứng qua các dự án từng xây dựng trước đó thì có thể khiến người mua nhà lo ngại.
Luật sư Bích Hảo cũng khuyến cáo, khi mua nhà ở bất kỳ dự án nào người dân cũng nên thận trọng tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến hợp đồng mua bán, kiểm tra về tư cách pháp nhân và nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong hợp đồng.
Nhất là tránh nhầm lẫn giữa vai trò của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án để ký hợp đồng đúng luật, tránh rắc rối về sau. Khi mua nhà, người mua nhà bao giờ cũng ký hợp đồng với chủ đầu tư. Người mua chỉ được chuyển nhượng khi đã có hợp đồng mua nhà của chủ đầu tư hoặc đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua nhà đó. Chủ đầu tư phải đáp ứng được điều kiện về vốn pháp định và vốn ký quỹ đối với từng dự án và có chức năng kinh doanh bất động sản.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét